Diễn biến Trận_Caen_(1346)

...To lớn và mạnh mẽ, ngập tràn hàng hóa, vải vóc, các nhà buôn cùng những phụ nữ quý tộc, những nhà thờ nguy nga... Tráng lệ làm sao khi đâu đó trong thành phố này ngự một pháo đài thuộc hạng bậc nhất ở Normandie...
— Jean Froissart (nhà sử học người Pháp thời Trung cổ) nhận xét về thành Caen.[28]
Chân dung Edward III

Caen là một thành phố cổ nằm ở bờ bắc sông Orne, lớn hơn đa số thành thị ở nước Anh hồi ấy (trừ London).[29] Một nhánh của con sông này (sông Odon) chia Caen ra làm hai phần rõ rệt: khu phố cổ và khu phố mới. Bao bọc toàn bộ khu phố cổ là bức tường thành kiên cố, bên trong là tòa lâu đài chắc chắn. Mặc dù vậy, nhiều vị trí tường thành đã xuống cấp và hư hỏng, bất chấp những nỗ lực sửa chữa và ứng biến vào phút chót. Điều này khiến nó trở nên mong manh trước sự xâm nhập của quân Anh.[30] Khu phố mới (Ile Saint-Jean) là một hòn đảo nằm biệt lập giữa hai con sông Orne và Odon – nơi sinh sống chủ yếu của thương nhân và lãnh chúa. Hơn thế nữa, hòn đảo này chỉ kết nối với các bờ lân cận bằng ba cây cầu kiên cố nên việc bảo vệ, kiểm soát có vẻ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vào mùa hè, khi nước sông bắt đầu trở nên cạn đi, người ta có thể lợi dụng những vị trí này mà lội qua rất dễ dàng. Thành Caen còn có hai tu viện lớn vững chắc, mỗi tu viện tọa lạc ở mỗi bên của thành phố, có thể dùng làm pháo đài chống lại bất kỳ lực lượng tấn công nào.[27] Ngoài ra, thành phố cũng được bảo vệ bởi 1.000 đến 1.500 binh sĩ thường trực, chiếm phần lớn là lính bắn nỏ chuyên nghiệp cùng một số lượng đáng kể dân thường có vũ trang nhưng không rõ bao nhiêu. Thủ lĩnh của họ là Đại nguyên soái[lower-alpha 3] Raoul II, nhân vật cao cấp trong hệ thống phân cấp quân đội Pháp lúc bấy giờ.[30]

Một ngày trước cuộc tấn công, quân Anh phái sứ giả đến gặp hội đồng thành phố kèm điều khoản đầu hàng. Theo đó, tính mạng và tài sản của người dân sẽ được đảm bảo nếu họ chấp nhận buông vũ khí. Hội đồng dứt khoát khước từ những điều khoản đó và đem tay sứ giả giam vào ngục.[26] Ở chiều ngược lại, sáng sớm ngày 26 tháng 7, quân Anh đã có mặt ở bên ngoài các bức tường thành. Họ ngay lập tức chiếm giữ các tu viện không được canh gác, trước khi tiến hành một cuộc tấn công theo kế hoạch vào khu phố cổ. Edward không muốn lãng phí thì giờ thực hiện chiến lược bao vây vì đơn giản quân Anh không hề chuẩn bị phương tiện để làm việc đó. Raoul II ban đầu dự định bảo vệ khu phố cổ và tòa lâu đài, nhưng dưới áp lực từ những công dân giàu có, ông buộc phải di dời phòng tuyến sang Ile Saint-Jean. Việc thu quân gấp gáp này đã gây ra thảm họa, vì các biện pháp phòng ngừa kịp thời lên toàn bộ khu vực đã không được chú trọng do binh lính mải tập trung vào cuộc di tản vội vã.[31]

Nhận thấy rằng khu phố cổ không được canh phòng kĩ lưỡng, người Anh nhanh chóng chiếm cứ nó. Một lực lượng nhỏ cũng được phái đi phong tỏa lâu đài ở phía bắc thành phố, nơi đóng quân của 300 lính Pháp dưới sự chỉ huy của Guillaume Bertrand. Sau thắng lợi bất ngờ ở khu phố cổ, Edward thay đổi kế hoạch, tấn công luôn khu phố mới, ra lệnh cho binh sĩ đánh chiếm những cây cầu được bảo vệ ở bờ bắc sông Odon. Khi binh lính được điều động tấn công, các kỵ binh hạng nặng[lower-alpha 4] và cung thủ người Anh vì quá hăng hái trước chiến lợi phẩm sẽ cướp được nên không nghe lệnh của chỉ huy, lao lên các cây cầu trước khi đội hình hoàn toàn vào vị trí. Tuy cuộc tấn công về danh nghĩa là chỉ huy bởi Bá tước Warwick, Bá tước NorthamptonNam tước Talbot, nhưng họ có rất ít quyền kiểm soát binh lính. Nhận thấy điều này, Edward yêu cầu quân đội rút lui nhưng lệnh của ông cũng chẳng còn tác dụng nữa.[32]

Quả là không thể nào thích hợp hơn cho vua Anh cùng binh lính của ông ta khi con sông chảy qua thị trấn lại trở nên cạn khô đến độ một tập đoàn quân hùng hậu có thể vượt qua dễ dàng mà chẳng hề hấn gì. Nó giúp họ [lính Anh] tránh khỏi tử địa trên cầu.
— Jean Froissart[28]
Một góc pháo đài Caen (ngày nay)

Khi hàng trăm binh lính Anh băng qua các cây cầu, phần lớn lính gác của Pháp ở đó cũng ập vào. Hai bên đánh nhau giáp lá cà. Trong khi đó, ở một hướng khác, một bộ phận lính Anh và lính xứ Wales, gồm những lính cung dài[lower-alpha 5] và lính cầm thương, vô tình phát hiện những chỗ nước nông trên dòng sông do thời gian khô hạn kéo dài. Họ ngay lập tức nhân cơ hội lội qua. Mặc dù gặp khá nhiều khó khăn bởi cung tên tẩm lửa từ quân địch, nhưng những binh lính này vẫn xoay xở tiếp cận được hàng thủ ứng biến tốt của Pháp dọc bờ sông. Tuy nhiên, do dàn trải quá mỏng dẫn đến phòng thủ kém hiệu quả, đội hình Pháp bị xuyên thủng ở nhiều nơi. Kết quả là quân Anh lọt qua được khu phố mới, đánh thọc vào phía sau lưng đội hình Pháp đang bận chiến đấu trên cầu. Đến lúc này, quân Pháp hoàn toàn sụp đổ. Vài sĩ quan cao cấp nhất của Pháp lên ngựa, mở đường máu bỏ chạy về lâu đài, số khác thì lui về tử thủ trong tòa tháp gần đó. Dĩ nhiên, tất cả các binh sĩ còn lại đều bị giết sạch,[33] chỉ trừ một số ít sĩ quan và thị dân giàu có là được tha mạng nhưng thay vào đó, họ trở thành tù binh. Bá tước Raoul cũng không ngoại lệ.[34]

Liên quan